Tiểu sử Friedrich_III,_Hoàng_đế_Đức

Đầu đời và giáo dục

Friedrich Wilhelm, khoảng năm 1841

Friedrich Wilhelm chào đời tại Tân Hoàng cungPotsdam, Vương quốc Phổ, vào ngày 18 tháng 10 năm 1831. Ông là người thuộc dòng dõi nhà Hohenzollern, một trong những gia tộc danh tiếng nhất ở châu Âu và bấy giờ là triều đại cai trị Phổ. Cha của Friedrich là Thân vương Wilhelm – con trai thứ của Vua Friedrich Wilhelm III – đã được nuôi dưỡng theo truyền thống quân sự của Vương triều Hohenzollern và trở thành một người có kỷ luật chặt chẽ. Wilhelm từng yêu người em họ của mình là Elisa Radziwill, con gái của một nhà quý tộc Ba Lan với một công chúa Phổ, nhưng do không phải là con vua cháu chúa, Elisa không đủ đẳng cấp xã hội để kết hôn với một vương tử Phổ. Do vậy, vua cha Friedrich Wilhelm III buộc Wilhelm phải từ bỏ mối quan hệ của mình với Elisa vào tháng 6 năm 1826 và tìm kiếm một cuộc hôn nhân thích hợp hơn[4][12][13] Ba năm sau (1829), Wilhelm thành hôn với Công nương Augusta xứ Sachsen-Weimar-Eisenach, người đã được giáo dưỡng trong môi trương trí thức và nghệ thuật của Weimar, nơi mà người dân được quyền tham gia nhiều hơn vào các vấn đề chính trị và quyền lực của lãnh chúa bị hạn chế bằng hiến pháp;[14][15] Augusta trở nên được biết đến trên khắp châu Âu vì khuynh hướng ủng hộ chủ nghĩa tự do của bà.[16] Cuộc hôn nhân của Wilhelm và Augusta trông bề ngoài có vẻ êm ấm[17], song không mấy hạnh phúc do những khác biệt giữa hai người. Đời sống sinh trưởng trong một gia đình như vậy đã để lại cho Friedrich những ký ức về một tuổi thơ đơn độc.[14][18] Ông có một người em gái là Luise (sau này là Đại Công nương xứ Baden), nhỏ hơn ông tám tuổi và rất thân thiết với ông. Ngoài ra, Friedrich cũng có mối quan hệ rất tốt đẹp với bác mình là Vua Friedrich Wilhelm IV, người được mệnh danh là "nhà lãng mạn trên ngai vàng".[19]

Friedrich khôn lớn trong một bối cảnh chính trị rối ren. Đó là giai đoạn mà khái niệm về chủ nghĩa tự do ở Đức, vốn tiến triển vào thập niêm 1840, nhận được sự ủng hộ rộng rãi và nồng nhiệt.[20] Những người tự do chủ nghĩa yêu cầu thống nhất nước Đức và ủng hộ nền quân chủ lập hiến. Họ yêu cầu ban hành hiến pháp nhằm đảm bảo quyền được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật và quyền tư hữu tài sản, đồng thời bảo vệ các quyền cơ bản của công dân[21]. Nhìn chung, trào lưu tự do chủ nghĩa mong muốn chính phủ được cai quản bởi đại diện của quần chúng.[15] Năm Friedrich 17 tuổi, làn sóng tư tưởng dân tộc và tự do chủ nghĩa này đã châm ngòi cho hàng loạt cuộc đấu tranh cách mạng trên khắp các bang Đức và những nơi khác ở châu Âu. Tại Đức, những người cách mạng đề ra mục tiêu bảo đảm các quyền tự do, tỷ như tự do hội họptự do báo chí và để thành lập một nghị viện và hiến pháp Đức.[20][22] Mặc dù các cuộc đấu tranh cuối cùng đã không thể mang lại một thay đổi lâu dài nào, trào lưu tự do chủ nghĩa vẫn là một lực lượng đầy sức ảnh hưởng trong nền chính trị Đức suốt thời đại mà Friedrich sinh sống.[23]

Mặc dù vương tộc Hohenzollern nhấn mạnh việc đào tạo quân sự cho con em mình như một giá trị truyền thống, Augusta nhất quyết đòi hỏi con bà phải được hưởng thêm một nền học vấn kinh điển.[18] Do vậy, Friedrich đã được giáo dục toàn diện về cả truyền thống quân sự lẫn các môn nghệ thuật tự do. Gia sư của ông là Ernst Curtius, một nhà khảo cổ nổi tiếng.[19] Friedrich là một học sinh giỏi, ông đặc biệt học tốt các môn ngoại ngữ, nói thạo tiếng Anhtiếng Pháp, lại còn học tiếng Latinh. Ông cũng học lịch sử, địa lý, vật lý, âm nhạctôn giáo và tỏ ra xuất sắc môn thể dục; ngoài ra, ông còn trở thành một tay lái ngựa tài năng, đáp ứng đòi hỏi đối với một vương tử Phổ.[24] Và, cũng như các vương tử khác của nhà Hohenzollern, Friedrich được tập làm quen với truyền thống quân sự của vương triều ngay từ thời niên thiếu. Friedrich chỉ mới 10 tuổi khi ông được sung vào Trung đoàn Bộ binh Cận vệ số 1 với cấp hàm Thiếu úy và được trao tặng Huân chương Đại bàng Đen. Theo đà trưởng thành của ông, vị vương tử được dự trù sẽ tham gia tích cực vào các vấn đề quân sự.[25] Nhưng lên 18 tuổi, ông đã tuyệt giao với truyền thống gia đình và nhập học Đại học Bonn, tại đây ông học về lịch sử, luật pháp, chính quyền và chính sách công cộng. Trong thời gian ở Bonn (18501852), ông được học với các giảng viên Ernst Moritz ArndtFriedrich Christoph Dahlmann.[19] Những năm tháng học tập tại đại học này, kết hợp với ảnh hưởng của những thành viên gia đình ít bảo thủ hơn, đã đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng niềm tin của ông vào chủ nghĩa tự do.[26]

Hôn nhân và gia đình

Victoria—trưởng nữ của Nữ vương Victoria của Anh—người mà Friedrich đã kết hôn vào năm 1858

Các hoàng tộc phương Tây vào thế kỷ 19 thường sắp đặt các cuộc hôn nhân của con em mình để củng cố liên minh và duy trì mối quan hệ máu mủ giữa các quốc gia của họ. Ngay từ năm 1851, Nữ vương Victoria của Anh và phu quân là Hoàng tế Albert đã bài trí các kế hoạch đã gả con gái đầu lòng của họ là Trưởng nữ Công chúa Victoria cho Friedrich. Vương triều Anh thời bấy giờ chủ yếu mang dòng máu Đức; trong khi Nữ vương Victoria chỉ cò chút nguồn gốc Anh, chồng bà không mang một dòng máu Anh nào.[27] Vợ chồng Nữ vương Anh mong muốn duy trì quan hệ máu mủ của mình với Đức, và Hoàng tế Albert còn hy vọng rằng cuộc kết hôn sẽ dẫn đến quá trình tự do hóa và hiện đại hóa nước Phổ. Vua Leopold I của Bỉ, chú của nữ vương và hoàng tế Anh, cũng tán thành với kế hoạch hôn nhân này; vua Bỉ từ lâu đã nuôi dưỡng ý tưởng của Nam tước Stockmar về một liên minh thông qua hôn nhân giữa Anh và Phổ.[28] Cha của Friedrich, Wilhelm – khi đó là Thái đệ của vua Phổ – không hề hứng thú với hoạch định này, thay vì đó ông hy vọng nhận một Đại Công nương Nga làm con dâu của mình.[27] Tuy nhiên, Vương phi Augusta hết mực ủng hộ dự định hôn nhân này vì bà cho rằng nó sẽ thúc đẩy sự thắt chặt mối quan hệ với Anh.[1] Năm 1851, Augusta phái Friedrich đến Anh với mục tiêu bên ngoài là để vị vương tử tham dự cuộc Đại Triển lãm, nhưng trên thực tế, bà hy vọng rằng nước Anh – cái nôi của chủ nghĩa tự do và ngôi nhà của cuộc cách mạng công nghiệp sẽ có ảnh hưởng tích cực đối với con bà.[19] Hoàng tế Albert đã trông coi Friedrich trong thời gian ông thăm viếng Anh, nhưng chính nàng công chúa 11 tuổi Victoria mới là người đã dẫn đường cho vị vương tử người Đức đi quanh khu triển lãm. Sau lần gặp đầu tiên này, Friedrich và Victoria thường trao đổi thư từ với nhau.[19]

Cuộc hứa hôn của cặp đôi trẻ tuổi đã được tuyên bố vào tháng 4 năm 1856,[29] và họ thành hôn vào ngày 25 tháng 1 năm 1858 tại nhà nguyện cung thánh James, Luân Đôn. Nhân dịp hôn nhân của ông, Friedrich được thăng cấp hàm Thiếu tướng trong quân đội Phổ. Dù đây là một cuộc kết hôn được dàn xếp, đôi tân hôn đồng tâm hợp ý với nhau ngay từ đầu và họ chung sống hạnh phúc;[30][31] Victoria cũng từng được hưởng một nền giáo dục theo khuynh hướng tự do và tán đồng với quan điểm của chồng mình. Bà là người đóng vai trò chi phối trong quan hệ vợ chồng.[19] Cặp đôi hoàng gia này thường cư ngụ tại điện Thái tử (Kronprinzenpalais) và sinh hạ được tám người con: Wilhelm năm 1859, Charlotte năm 1860, Heinrich năm 1862, Sigismund năm 1864, Viktoria năm 1866, Waldemar năm 1868, Sophia năm 1870 và Margaret năm 1872. Sigismund mất khi mới 2 tuổi và Waldemar chỉ sống được đến 11 tuổi,[32] trong khi con trưởng của Friedrich và Victoria là Wilhelm bị teo một tay: đây có lẽ là do vị vương tử bị sinh ngôi ngược – một kiểu đẻ khó khăn và nguy hiểm, song cũng có thể xuất phát từ một trường hợp nhẹ của chứng liệt não.[33][34] Wilhelm, người lên ngôi hoàng đế sau khi Friedrich qua đời, đã cố gắng che đậy cánh tay bị teo của mình với một ít thành công.[35] Wilhelm phản đối tư tưởng tự do của cha mình và coi tình cảm sâu nặng của mẹ mình đối với nước Anh là chống Phổ và không yêu nước. Sự khác biệt về hệ tư tưởng giữa Wilhelm với song thân đã gây cho quan hệ giữa họ luôn căng thẳng trong suốt cuộc đời họ.[36][37] Victoria từng đã nhìn nhận của mình là "một người Phổ toàn diện",[36] trong khi Wilhelm luôn cay đắng và thất vọng trước sự lệ thuộc của Friedrich vào vợ mình. Vị hoàng tử từng than phiền với Herbert von Bismarck, con trai của vị Thủ tướng đương nhiệm, vào năm 1886:[38]

Giờ tôi không thể nói chuyện với phụ thân tôi bất kỳ lúc nào trong một thái độ cởi mở và dễ chịu bởi vị Thái tử phi (Wilhelm trong thời gian đó thường dùng từ "Thái tử phi" thay vì "mẫu thân tôi" khi đề cập đến Victoria) không bao giờ để chúng tôi ở riêng được đúng 5 phút vì sợ phụ thân tôi – sau khi cuối cùng đã hiểu được những ý muốn thực sự của tôi với ông ấy là chân thực như thế nào – sẽ nằm dưới tầm ảnh hưởng của tôi.